Xem thêm ==>> Chương trình tour ghép Hà Giang
1. Bánh tam giác mạch
Chỉ riêng cái tên đã gợi bao háo hức. Ngắm Sủng Là, Lũng Cú… rạng rỡ trong mùa hoa, bạn đừng bỏ qua cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía. Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
2. Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam được làm chín bằng cách cho vào ống tre, ống nứa rồi nướng chín trên than, củi. Đồng bào các dân tộc thường làm món này để mang theo khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện vừa dễ bảo quản. Công đoạn làm cơm lam Bắc Mê đơn giản và cũng không tốn kém. Nguyên liệu là loại gạo nếp ngon được trồng trên nương, ngâm kỹ trong nước. Việc lựa chọn gạo là yếu tố quan trọng nhất vì chúng quyết định phần lớn độ ngon và mùi thơm của cơm lam. Gạo nếp ngâm, vo sạch rồi trộn đều cùng với một chút muối. Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến thành hương vị riêng, nhưng cơm lam Bắc Mê của người Tày mang một hương vị đậm đà đặc biệt, để lại ấn tượng trong lòng du khách.
3. Rêu nướng
Rêu nướng lại là đặc sản Hà Giang không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang. Món ăn lạ miệng, ngon, lại có hương vị rất riêng. Rêu tươi được người dân tộc Tày đi lấy ở những khe đá dưới suối, rửa sạch và vò hết nhớt mới đem về chế biến.
4. Cháo ấu tẩu
Đến với Hà Giang, các bạn có thể sẽ được thưởng thức món cháo ấu tẩu thơm ngon bổ dưỡng. Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa và chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây, cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn. Nấu được bát cháo cũng cầu kỳ và nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và ninh hơn 4 giờ, tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra, thêm trứng gà, ớt, tiêu, hành, rau mùi dậy lên mùi thơm ngọt ngào, chút tía tô tăng tác dụng giải cảm của bát cháo. Vị ngon của cháo còn phụ thuộc bí quyết của từng nhà hàng.
5. Mật ong bạc hà
Đây là đặc sản Hà Giang mà bất cứ ai lên đây cũng muốn tìm mua bằng được. Mật ong bạc hà lôi cuốn và làm say đắm lòng du khách không chỉ bởi vị ngọt đậm đà, êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và mùi hương đặc biệt, mà hơn hết đó chính là thứ tinh túy từ núi đá, cùng những hạt sương mai và vô vàn khó nhọc của người H’mông trên vùng cao nguyên đá.
Mật ong bạc hà được người H’mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Sản phẩm có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc… Giá cũng cao hơn rất nhiều các loại mật ong khác. Hơn nữa, sản lượng mật ong bạc hà mỗi năm không nhiều, không bày bán ở chợ như những thứ khác nên khó tìm mua thứ đặc sản độc đáo này
6. Thịt trâu gác bếp
Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu, và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây. Người ta thường chọn những phần thịt trâu ngon rồi xẻ dọc theo thớ thịt thành những miếng dài kiểu con chì, hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Thịt được ướp muối và gừng, ớt, tiêu rừng. Sau đó, thịt mắc trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Gác bếp suốt hai tháng, khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…Giá thịt trâu gác bếp khoảng 700.000 đến 800.000 đồng một kg.
7. Thắng cố
Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành một hoạt động tích hợp của người dân và các du khách khám phá tỉnh Tây Bắc này.
Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố – đặc sản Hà Giang – có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
8. Thắng dền
Ai lên Đồng Văn cũng muốn một lần thưởng thức thắng cố, món chỉ ăn trong những phiên chợ. Còn giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng. Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
9. Rượu ngô Thanh Vân
Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế.
Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường, nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy.
10. Cam sành Bắc Quang
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang. Cam sành Bắc Quang có thể coi là sản vật của núi rừng, sự kỳ công chăm sóc của người dân và của sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của huyện Bắc Quang. Từ đó, cho ra một sản phẩm cam sạch, giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của những người ưa hàng Việt chất lượng cao.
11. Thịt chuột La Chí
Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được họ coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng. Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng nghìn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, chuột khô chính là đặc sản của người La Chí. Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể, đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần. Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.
12. Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang thực chất được lan sang Hà Giang từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng, ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè. Công thức làm phở chua Hà Giang không quá khó, nếu ai muốn tự tay mình nấu được bát phở chua thì có thể tham khảo công thức. Nguyên liệu của món phở chua bao gồm: thịt lợn rán (xá xíu), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xường hoặc xúc xích tự chế. Ngoài ra còn có rau ăn kèm gồm rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo. Nguyên liệu chính là bánh phở yêu cầu phải là bánh phở tươi được tráng mềm, không dùng bánh phở khô.
13. Chè Shan Tuyết
Những cây chè shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè shan tuyết – đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên.
Giữa núi rừng, ngồi ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người. Người ta bảo pha trà Shan tuyết phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn. Chè Shan Tuyết núi cao Hà Giang có giá khoảng 300.000 đến 700.000 đồng một kg.
14. Lạp xường
Lạp xường Hà Giang vừa giòn, ngậy thịt lại mang mùi nắng quyện mùi khói bếp và mùi mắc mật tạo thành nét riêng khiến người ăn nhớ đậm ghi sâu. Lạp xường được làm từ thịt lợn vai được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng nguyên khối ngon lành, không nứt vỡ. Cứ thế từng dải lạp xưởng được hong trên gác bếp hay phơi nắng cho khô dần. Lạp xường có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu. Lạp xường có giá khoảng 300.000 đồng một kg.
15. Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt khiến ai cũng tò mò. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì tcon lợn này khá bé, người dân khi bắt lọ hay để ôm thọt vào người, hoặc treo dưới nách. Lợn cắp nách ó thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Với thịt lợn này có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích, có thể dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.
16. Xôi ngũ sắc
Dạo một vòng phố cổ Đồng Văn buổi sáng, gần cuối phố là hàng xôi rất ngon. Quán tuy đơn sơ vài ba thức xôi nhưng khách mua đông, cô bán hàng phải xới luôn tay. Xôi ngũ sắc được chú ý và chọn mua nhiều nhất bởi chỉ thoáng nhìn qua màu sắc bắt mắt, nhiều thực khách đã có cảm giác “ưng cái bụng”.
Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được hòa hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt. Xôi này được làm từ một loại gạo nếp thơm và dẻo do chính người dân tộc trồng. Chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng, bạn có thể no đến trưa với một nắm xôi ngũ sắc mềm ngọt, dẻo thơm rất hấp dẫn.