Tour Biệt động Sài Gòn xưa
Chương trình tour Biệt Động Sài Gòn. Đây là chương trình tour New Day Tourism phát triển phục vụ du khách quốc tế từ nhiều năm trước và du khách trong nước, đã tạo được ấn tượng sâu sắc.
Những câu chuyện về lực lượng Biệt Động Sài Gòn - qua hiện vật trưng bày, thuyết minh của Hướng dẫn viên và lời kể của chính các cựu chiến sĩ - sẽ tái hiện lại quá trình hoạt động cùng những chiến tích oanh liệt, hào hùng ...chắc chắn sẽ cuốn hút Quý khách từ đầu đến cuối.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, cà phê Đỗ Phủ, Nhan Hương Quán là những địa chỉ các chiến sĩ biệt động từng hoạt động, ngày nay thành nơi trưng bày kỷ vật cho khách tham quan.
Trần Văn Lai hay Năm Lai, nhà thầu khoán nức tiếng Sài Gòn những năm 1960, đã mở nhiều đường dây cất giữ vũ khí và hầm trú ẩn cho lực lượng Biệt động Sài Gòn phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Ngày nay, một số ngôi nhà của ông trở thành di tích và mở cửa đón khách tham quan. Dưới đây là những địa chỉ gắn liền với sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968, nằm ở trung tâm, dễ di chuyển, nhiều trải nghiệm dịp lễ 30/4 năm nay.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
- Địa chỉ: 145, Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1
- Giờ mở cửa: 7h30 đến 19h; thứ Sáu và thứ Bảy mở cửa đến 17h30
Cải tạo cuối năm 2019 từ căn nhà ba tầng hơn 60 năm tuổi, nhà trưng bày Biệt động Sài Gòn - Gia Định mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8/2023. Bảo tàng lưu giữ hơn 300 hiện vật vũ khí, thư tín, vật dụng sinh hoạt thời chiến và một số kỷ vật như máy đánh chữ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, máy in truyền đơn của ông Đỗ Miễn, xe đạp của nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ.
Tấm bản đồ mô tả các mũi tấn công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại bảo tàng.
Thang máy gỗ ở tầng trệt bảo tàng khiến du khách ấn tượng khi còn khả năng hoạt động suốt hàng chục năm. Không gian trưng bày trong bảo tàng tái hiện một số cuộc tập kích của lực lượng biệt động qua chú thích trong từng ảnh.
Nổi bật là tấm bản đồ cỡ lớn mô tả các mũi tấn công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Ban công tầng hai của ngôi nhà luôn tung bay lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vị trí được nhiều khách yêu thích khi chụp ảnh.
- Vé tham quan bảo tàng có giá 50.000 đồng mỗi người.
Nhan Hương Quán:
- Địa chỉ: QPP5+92F, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh
- Giờ mở cửa: 7h đến 22h hàng ngày
Một trong những điểm liên lạc của lực lượng Biệt Động Thành, nơi giao – nhận chỉ thị của lãnh đạo cấp trên, nơi chỉ huy gặp gỡ chiến đấu viên trước trận đánh nhằm cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ.
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, kể lại: sau một thời gian hoạt động, Bộ Tư lệnh Miền đánh giá đây là nơi hoạt động rất an toàn, bí mật và hiệu quả. Quán Nhan Hương trở thành cơ sở nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cấp quân khu, chỉ huy lực lượng biệt động và cán bộ các nơi đến thành phố công tác, nhận chỉ thị của lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là “sở chỉ huy” giao nhiệm vụ, động viên tinh thần anh em trước các trận đánh.
Suốt thời gian dài tồn tại ngay trong lòng địch (1963-1975), hằng ngày, khách đến quán Nhan Hương có nhiều sĩ quan Mỹ và nhân viên an ninh phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng địch không hề phát hiện dấu hiệu khả nghi nào, ngược lại trong rất nhiều cuộc ăn nhậu của đối phương, các “nhân viên” phục vụ quán đã nắm được nhiều bí mật quân sự của phía bên kia. Những thông tin này đã được ông Tửng thu thập, đối chiếu, báo lên trên để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương là hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, đài phát thanh Sài Gòn, bộ tổng tham mưu, đại sứ quán Mỹ, bộ tư lệnh hải quân... làm lung lay tận gốc chế độ Việt Nam Cộng hòa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nguyên cán bộ Phòng Quân báo Miền (A54), Trưởng ban liên lạc khối điệp báo đơn vị A54 khu vực phía Nam, kể lại, từ trước Quốc khánh năm 1974, quán Nhan Hương dừng mọi hoạt động bí mật, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại đây lại tất bật chuẩn bị công tác đón, dẫn đường cho bộ đội giải phóng miền Nam năm 1975.
Không chỉ là nơi hội ngộ của những người lính biệt động, quán Nhan Hương sau này được trùng tu, bảo tồn, bổ sung tư liệu, hiện vật để phục vụ tham quan, giáo dục lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã bố trí không gian tái hiện cảnh buôn bán, sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Văn Tửng với nhiều khu vực như nhà bếp, nơi nấu ăn, chỗ ngủ, các bàn ăn, khu vực tính tiền… để ghi dấu một cơ sở cách mạng trong Thảo Cầm Viên ngay giữa lòng Sài Gòn.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn
- Địa chỉ: 113A, Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1
- Giờ mở cửa: 7h đến 22h hàng ngày
Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt Động Sài Gòn – Quán Cà Phê Đỗ Phủ là điểm giao liên, nơi cất giấu và giao nhận tài liệu, vũ khí cực kì độc đáo của lực lượng Biệt Động Sài Gòn – Gia Định.
+ Đằng sau bức tường bình thường của căn nhà là căn hầm nổi cực kì độc đáo, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu của lực lượng Biệt Động.
+ Lan can cảnh giới phía sau nhà, mái lợp bằng ngói âm dương và từng cây cột, viên gạch trong ngôi nhà mang dáng vẻ bình thường nhưng đều là những căn hầm bí mật, lối thoát khẩn cấp.
Quán cơm hiện tại của vợ chồng ông Đỗ Miễn có từ năm 1946, từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Gia đình cho biết địa điểm từng nằm sát vách nhà tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên phải luôn cẩn trọng khi cất giữ và chuyển giao tài liệu mật.
Chân tường hay tủ quần áo trên tầng hai có hầm nổi cất giấu thư từ tài liệu và lối trốn thoát khi có động. Ngôi nhà vẫn giữ kiến trúc Sài Gòn xưa như mái ngói, cầu thang gỗ, nền lót gạch xen kẽ trắng đỏ, và nhiều kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng.
Không gian quán mang nét hoài cổ do trưng bày nhiều kỷ vật của Biệt động Sài Gòn.
Quán không chỉ phục vụ dân thường, chính quyền Sài Gòn mà còn nhiều lính Hàn từng tham chiến. Những người lính Hàn khi đó đề xuất quán làm thêm kim chi do không quen với hương vị cơm tấm truyền thống. Hiện, món cơm tấm với kim chi, trứng lòng đào là món nổi bật ở quán, khiến nhiều thực khách Việt liên tưởng đến món cơm trộn Hàn Quốc.
+ Phần cơm có giá dao động từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng.
+ Quán còn phục vụ đa dạng các loại cà phê, trà, soda, sữa chua, quẩy nóng chấm bạc xỉu của người Sài Gòn xưa.
+ Với giá dao động từ 20.000 đồng đến 55.000 đồng.
Ba căn nhà hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu
- Địa chỉ: căn nhà số 287/68, 287/70 và 287/72, Nguyễn Đình Chiểu, quận 3
- Thời gian: sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h đến 17h hằng ngày
Ba căn nhà liền kề trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu luôn hút khách nước ngoài nhờ trưng bày nhiều vật dụng của người Sài Gòn một thời và chứng tích của chiến sĩ biệt động.
Điểm nhấn là chiếc xe ôtô Citroen vận chuyển khí tài từ thời Pháp và hệ thống hầm kiên cố được ngụy trang dưới các viên gạch xen kẽ trắng đỏ.
Chiếc xe ôtô thời Pháp được dùng để vận chuyển khí tài của ông Năm Lai.
Riêng căn nhà 287/70 có hầm bí mật dài hơn 10 m, từng cất giấu hàng tấn vũ khí để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công. Những chiếc hộp sắt, thùng gỗ chứa vũ khí hiện được trưng bày trong hầm. Căn hầm được mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí từ năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân 1968. Khách nước ngoài nên thuê thuyết minh viên với giá 300.000 đồng để được giải thích chi tiết trong suốt chuyến tham quan.
Tiệm phở Bình
- Địa chỉ: 7, Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3
- Giờ mở cửa: 7h30 đến 16h30 hằng ngày
Tiệm phở trên đường Lý Chính Thắng vốn là Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Mặt tiền tiệm phở nổi bật với ngôi sao năm cánh và tấm biển tên quán in vàng trên nền đỏ như lá cờ Việt Nam.
Chủ quán là ông Ngô Toại, từng bị tuyên 20 năm tù khổ sai ở Côn Đảo do tham gia hỗ trợ lực lượng biệt động. Con cháu ông Toại, trong đó có cán bộ giao liên Ngô Văn Lập hiện kế nghiệp cha gìn giữ nghề bán phở gia truyền tại tầng trệt suốt hơn 60 năm.
Bức ảnh khách nước ngoài cùng ông Ngô Toại được treo tại quán.
Toàn bộ tầng một quán là không gian trưng bày tư liệu lịch sử và hình ảnh các chiến sĩ từng cải trang thành nhân viên tiệm phở. Một số kỷ vật được lưu giữ như tủ thờ ngụy trang để cất giấu tấm bản đồ tác chiến của Sở Chỉ huy tiền phương, bộ bàn ghế nơi cán bộ hội họp và trao đổi thông tin, tờ báo đưa tin phiên tòa xét xử chủ quán phở Bình.
+ Khách tham quan cần đi theo nhóm và liên hệ trước với chủ quán.
+ Phí dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi người, tùy lượng khách.
Lời kết
Những địa danh trên không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về một thời chiến tranh gian khó mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Hành trình ghé thăm các di tích này sẽ giúp mỗi người thêm trân trọng và tự hào về tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông ta.
New Day Tourism hân hạnh đồng hành cùng bạn trong mọi hành trình trải nghiệm khắp năm châu. Đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chuyến đi đáng nhớ này !
Xem ngay chi tiết tour du lịch trong và ngoài nước: Tại đây
📍 Trụ sở chính: 129 Bàu Cát 4, P14, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
📞 Điện thoại: 028.3849 03 79 - 0931. 20 10 39
📠 Hotline : 0913.337 787
📩 E-mail: newdaysgtourism@gmail.com
🌐 Website: www.newdaytourism.com.vn