Tháp Hòn Chuông "Bí ẩn ngôi tháp cổ trên đỉnh núi"
Bí ẩn ngôi tháp cổ trên đỉnh núi, qua nhiều thế kỷ ít ai tiếp cận được
Tháp Hòn Chuông được xây dựng trên đỉnh núi cao hơn 700m so với mực nước biển. Đây là ngôi tháp Champa còn tồn tại ở Bình Định và nhiều bí ẩn chưa có lời giải.
Tháp Hòn Chuông ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) nằm trong quần thể Khu căn cứ di tích quốc gia núi Bà, phía bắc dãy núi Bà.
Người dân địa phương gọi là Hòn Chuông, vì nhìn từ xa, đỉnh núi cao có khối đá khổng lồ nhô lên như chiếc chuông úp xuống. Trải qua nhiều thế kỷ, tháp đã xuống cấp nghiêm trọng, gần như một phế tích.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định nhiều lần khảo sát để tìm hướng bảo vệ, tu bổ và phát huy di tích, nhưng đến nay chưa tiếp cận được ngôi tháp, chỉ ghi nhận qua hình ảnh flycam.
Theo người dân địa phương, từ chân núi đi bộ men theo đường rừng mất gần 3 tiếng nhưng cũng chỉ tiếp cận được dưới chân tảng đá Hòn Chuông.
Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã điều tra hệ thống các di tích đền tháp Champa tại Việt Nam, song không có tài liệu nào đề cập đến tháp Hòn Chuông.
Những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Champa, tuy nhiên vẫn chưa có đánh giá cụ thể về ngôi tháp nằm ở đỉnh núi cao heo hút này.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, năm 1993, trong đợt khảo sát tại khu vực dãy núi Bà, cán bộ bảo tàng phát hiện một kiến trúc nằm trên tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này.
Vị trí của kiến trúc nằm trên Hòn Chuông cao hơn 700m so với mực nước biển, không có dấu hiệu đường dẫn lên tháp. Khảo sát vị trí xung quanh dưới chân của tảng đá, có rất nhiều mảnh gạch Champa, các mảnh ngói mũi lá, ngói hình sừng bò...
Bước đầu xác định, đây là kiến trúc tháp và bổ sung thêm số lượng tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm với 14 tháp.
Tour tham khảo :
Theo ông Bùi Tĩnh, năm 2020, bảo tàng điều tra lần thứ 2, với sự hỗ trợ công nghệ flycam, tháp Hòn Chuông hiện ra với kiến trúc đặc biệt. Tháp có bình đồ hình vuông, giống như các tháp Champa truyền thống.
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu nhỏ dần lên trên và được lợp ngói, không có hoa văn trang trí.
Về cơ bản, hình dáng kiến trúc và địa điểm xây dựng tháp Hòn Chuông hoàn toàn khác biệt so với các đền tháp Champa khác. Với địa hình hiểm trở trên núi cao để có thể đến được nơi ngôi tháp tọa lạc không phải là điều dễ dàng. Như vậy, liệu tháp Hòn Chuông có mang chức năng gì đặc biệt ?
Theo chúng tôi, về địa điểm, Núi Bà là tập hợp với nhiều dãy núi khác nhau nằm ở phía đông của vùng Vijaya. Trong tín ngưỡng Hindu giáo hướng đông là hướng của thần linh, những ngọn núi là nơi ngự trị của các vị thần. Đặc biệt, nhìn từ xa, tảng đá Hòn Chuông với chiều cao khoảng 100 mét, đỉnh tròn dáng thẳng đứng, giống như một chiếc linga khổng lồ nhô lên dãy núi hay còn gọi là Lingaparvata. (Parvarta nghĩa là núi). Ngoài đỉnh Hòn Chuông ra, một số tảng đá có kích thước tương đối lớn trên đỉnh núi tại những địa điểm khác, như Núi Đá Bia (Phú Yên) hoặc tảng đá trên đỉnh núi Phou Khao tại Wat Phu, tỉnh Champasak, Lào cũng được xem là Lingaparvata. Nhưng kích thước những Lingaparvata này nhỏ hơn so với Hòn Chuông và không có kiến trúc xây lên trên. Ngoài ra, tục thờ đá là tín ngưỡng lâu đời của người Champa nói riêng và cư dân Đông Nam Á nói chung. Sự kết hợp của tín ngưỡng bản địa cùng với triết lý Hindu giáo tạo nên điểm đặc biệt của tảng đá Hòn Chuông. Chính vì vậy, với vị trí “đắc địa”, cho nên người Champa đã cho xây dựng ngôi tháp trên đỉnh tảng đá Hòn Chuông.
Tuy hình dáng kiến trúc có sự khác biệt với những đền tháp Champa khác, nhưng ngôi tháp Hòn Chuông cũng được xây với tường tháp cao và dày, không gian bên trong nhỏ, chỉ có một cửa ra vào ở phía đông, tượng trưng như một hang động, là nơi trú ngụ của thần linh, theo truyền thuyết Hindu giáo. Với việc xây dựng ngôi tháp vị trí cao, hiểm trở như tháp Hòn Chuông, không phải lúc nào cũng có thể leo được tới tận ngôi tháp. Có thể ngôi tháp mang chức năng như một biểu tượng tôn giáo, được xây trên một Lingapavatar. Nếu có các cuộc hành hương của những vị tu sĩ hoặc tín đồ đến tháp Hòn Chuông, họ chỉ cần hành lễ dưới chân tảng đá. Bằng chứng, là quá trình khảo sát dưới chân tảng đá phát hiện một số mảnh ngói mũi lá hoặc ngói sừng bò. Điều này chứng minh rằng có thể phía dưới chân tảng đá có các công trình kiến trúc phục vụ tôn giáo. Chúng tôi loại trừ khả năng những mảnh ngói này từ ngôi tháp rơi xuống bởi vì trên địa điểm cao, đối diện với mưa và sức gió mạnh, không phù hợp với việc sử dụng ngói vào kiến trúc tháp trển đỉnh Hòn Chuông.
Với vị trí được xây dựng trên đỉnh núi cao và không có ngọn núi lớn nào che chắn trước mặt, nên tầm nhìn của ngôi tháp Hòn Chuông là cực kỳ rộng lớn. Từ ngôi tháp nhìn về phía đông là đường bờ biển dài; phía bắc là đồng bằng Phù Mỹ được bồi đắp bởi dòng sông La Tinh chảy ngang qua; phía đông-bắc thấy được cửa biển Đề Gì, từ đây vào Đầm Nước Ngọt, ngược dòng sông La Tinh đi sâu vào khu vực nội địa; phía đông-nam có thể nhìn thấy khu vực đầm Thị Nại, có các nhánh sông Côn đổ ra, đây được xem là cửa ra vào chính bằng đường thủy của khu vực Vijaya; còn nhìn về phía tây-nam, khu vực đồng bằng An Nhơn hiện ra trước mắt - nơi đây chính là trung tâm chính trị, tôn giáo của vương quốc Champa từ thế kỷ X - XV, với hệ thống thành quách, đền tháp và phế tích tập trung phần lớn tại khu vực này; riêng khu vực phía tây do có núi Chóp Vung chắn ngang nên tầm nhìn bị che khuất. Và chính bởi địa thế như vậy, nên từ gần bờ biển cho đến nhiều vị trí khác nhau ở khu vực đồng bằng của tỉnh Bình Định, đặc biệt từ kinh đô Chà Bàn nhìn về hướng đông, vẫn thấy rất rõ tảng đá Hòn Chuông nhô ra khỏi dãy Núi Bà. Như vậy, vấn đề cần được lý giải thêm là với tầm nhìn bao quát như vậy, liệu tháp Hòn Chuông có bao gồm thêm chức năng về quân sự ?
Ý kiến của chúng tôi, tháp Hòn Chuông không thể mang chức năng về quân sự. Bởi vì với độ cao được xây dựng là 800 mét so với mặt nước biển, rất khó để thấy rõ được ngôi tháp. Ngoài ra, với vị trí xây dựng rất cao, thỉnh thoảng bị mây che phủ xung quanh, cho nên không phải lúc nào cũng có thể thấy được tảng đá hoặc ngôi tháp. Vì thế, nếu trong trường hợp có những biến cố nào đó xảy ra từ xa thì không thể thấy các dấu hiệu cảnh báo từ tháp Hòn Chuông. Chính vì vậy, nhận định ban đầu của chúng tôi tháp Hòn Chuông có khả năng mang chức năng duy nhất là biểu tượng tôn giáo, được xây dựng tại một vị trí linh thiêng trong tín ngưỡng của người Champa xưa.
Vì vậy, người Champa đã sử dụng phương pháp xây tường bóp dần lên, phần mái lợp ngói để chân tháp không phải chịu lực quá nặng từ những khối gạch phía trên, giúp tháp vững chắc.
Vì chưa tiếp cận được để xác định trong tháp có còn đồ thờ hay không, do đó chưa thể nhận định cụ thể chức năng của ngôi tháp.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết, dù chưa trực tiếp khảo sát tháp nhưng căn cứ vào hình ảnh của Bảo tàng tỉnh Bình Định cung cấp, dựa vào 3 yếu tố về khối kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng, đó là kiến trúc tháp của người Champa xưa, khả năng được xây dựng vào thế kỷ XIV.
Về việc tháp được xây dựng trên đỉnh núi, tiến sĩ Lê Đình Phụng nêu quan điểm: "Đây là tháp của một tôn giáo để khẳng định vị thế kinh đô ở thời điểm đó. Theo tôi tháp này thờ các vị thần nhưng là thờ vọng, vì vị trí tháp xây không có mặt bằng để hành lễ".
Lý giải việc người xưa dùng cách nào để vận chuyển vật liệu lên trên đỉnh núi cao, tiến sĩ Lê Đình Phụng nói: "Phải đi thực tế để khảo sát, không thể ngồi một nơi mà suy đoán được. Về mặt nguyên tắc, phải tìm hiểu tính ứng dụng khoa học, kỹ thuật thời đại đó, có thể dùng ròng rọc hay xách tay. Cần tìm được đường lên tháp, kỹ thuật đưa lên thời đó… mới tìm được câu trả lời".

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Doãn Công).
Theo ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thời gian qua đã có một số đoàn đến khảo sát, nghiên cứu nhưng vẫn chưa có đánh giá đầy đủ hiện trạng cũng như các thông tin cụ thể về tháp.
"Tháp Hòn Chuông có giá trị to lớn nhưng đường lên khó khăn, nếu đầu tư cáp treo thì quá lớn, còn đi bộ không khả thi. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh cũng như các bộ, ngành hướng dẫn để địa phương có biện pháp bảo vệ, tu bổ, phát huy di tích điểm tháp này", ông Thắng nói.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, trong kế hoạch bổ sung nguồn kinh phí trung hạn giai đoạn 2021-2025 ưu tiên tu bổ các tháp như: Phú Lốc, Bình Lâm, Tháp Đôi, Hòn Chuông.